Thông tin đặc tính và giá trị đá quý Opal
Do có hiệu ứng lóe màu sặc sỡ (màu cầu vồng) nên viên đá opal có các màu của những loại đá quý khác gộp lại. Hiệu ứng lóe màu sặc sỡ được tạo ra do nhiễu xạ bên trong đá: các cầu thể li ti nằm trong đá làm tách ánh sáng thành các màu phổ tán sắc ngời sáng, giống hệt hiện tượng màu sặc sỡ do các rãnh cực nhỏ trên các đĩa CD gây ra.
Lịch sử và truyền thuyết:
Opal bắt nguồn từ tiếng La Mã opalus, diễn tả một vẻ đẹp đặc biệt của loại đá quý này: có màu sặc sỡ.
Opal là một báu vật trong thời Trung Cổ và người Hy Lạp gọi là ophthalmios, nghĩa là đá mắt, do nhiều người tin rằng đá này giúp tăng thị lực. Một số khác lại nghĩ rằng opal giúp cho người đeo nó có thể trở nên vô hình. Có người còn cho là opal giúp giữ tóc màu vàng không bị bạc.
Opal là những đá chính trên các trang sức của vương triều Pháp. Vua Napoleon đã tặng cho hoàng hậu Josephine một viên opal đẹp sáng màu đỏ tươi, có tên là “Cháy Đỏ Thành Troy”.
Vào thế kỷ 19, opal bị xem là vật xui xuất phát từ một tiểu thuyết nổi tiếng một thời của nhà văn người Scotland là ngài Walter Scott. Trong truyện, nữ nhân vật chính gắn sức sống dựa vào viên đá opal xinh đẹp mà cô ấy cài trên mái tóc và khi viên opal mất đi ánh lửa thì cô gái cũng qua đời.
Opal là một trong các đá mừng sinh nhật trong tháng 10 ở Mỹ.
Chất lượng, Giá trị và Tính phổ biến:
Khi định giá opal, các chuyên gia bắt đầu với màu nền của đá. Được ưa thích nhất là khi màu nền chung của đá thì sẫm và có lóe màu sặc sỡ.
Opal có giá trị nhất khi có màu nền xám sẫm đến đen và được gọi là opal đen. Opal có màu nền là trắng hay màu nhạt thì gọi là opal trắng, loại này có nhiều hơn và giá rẻ. Opal từ trong mờ đến trong suốt được gọi là opal tinh thể, giá trị của nó ở giữa 2 loại trên.
Sau màu nền, giá trị opal dựa vào mức độ và sự phân bố các màu sặc sỡ. Đẹp nhất là khi có tất cả các màu sặc sỡ phủ hết bề mặt viên đá, kể cả màu đỏ. Tuy nhiên opal là một trong các loại đá quý thể hiện tính riêng tư nhất, phụ thuộc vào sở thích của từng người.
Nguồn gốc:
Nguồn opal quan trọng nhất là Úc vì là nơi sản xuất opal nhiều nhất và đẹp nhất. Địa phương nổi tiếng có opal đen là Lightning Ridge.
Opal lửa là opal gốc núi lửa, trong suốt, có màu vàng sáng đến đỏ, được khai thác ở Mexico, thường được mài giác. Opal lửa hiếm khi thể hiện lóe màu sặc sỡ.
Opal lửa cũng có ở bang Oregon, Mỹ.
Người ta hay mài opal theo dạng ovan cabochon. Opal trắng thường được mài theo kích cỡ quy định, còn opal đen nào có giá trị sẽ được mài theo hình dáng để làm sao cho lóe màu sặc sỡ tối đa mặc dù dạng ovan là được ưa thích hơn cả.
Xử lý tăng vẻ đẹp thường gặp:
Các phương pháp xử lý opal được dùng nhiều nhất là làm tối đá màu nhạt để cho giống opal đen. Phương pháp nhuộm là làm cho màu nhuộm thấm vào trong cấu trúc rỗng để đá có được màu mong muốn. Phương thức xử lý “Khói” là tạo màu nền từ nâu sẫm đến đen. Phương pháp xử lý “Đường cát” tạo màu nền đen, chắn sáng.
Các viên opal nào quá mỏng, muốn dùng làm đá quý thì phải được dán thành hai hay ba lớp giống như bánh sandwich. Đá 2 lớp gồm đáy là vật liệu màu đen, phía trên là opal mỏng. Đá 3 lớp gồm 2 lớp kể trên, phần trên cùng là lớp thạch anh hay plastic không màu, dạng vòm. Dĩ nhiên là đá ghép này rẻ hơn đá opal nguyên. Chúng được bán theo từng viên và giá có thể lên đến hàng trăm lần nếu viên đá quá đặc biệt.
Bảo quản và làm sạch:
Opal có độ cứng 6 trên thang Mohs, mềm hơn nhiều loại đá quý khác, do đó nên giữ gìn cẩn thận để tránh bị làm trầy xước bởi những nữ trang khác. Nếu để đá rơi, phần nào lộ ra sẽ dễ bị bể. Không được để opal tiếp xúc với nhiệt hay axit. Rửa opal với xà phòng: dùng bàn chải chà phía sau viên đá nơi có thể dính nhiều chất dơ.
Nguồn: Da Quy – Da Phong Thuy